Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Một chuyến Đông Du của Nguyễn Liệu


Vớt Vát- Một chuyến Đông Du của Nguyễn Liệu

Vớt Vát
Nguyễn Liệu

Hồi còn nhỏ tôi rất khoái phục Tần thủy Hoàng, một vị vua anh hùng, vĩ đại, đã tóm thu thiên hạ, thống nhất sơn hà, và xây một kỳ công Vạn lý trường Thành để bảo vệ bờ cõi của tổ quốc Trung hoa. Và mãi tới tuần vừa rồi, ngày 31 tháng 10 – 2010 tôi mới đặt chân lên Vạn lý trường thành, thấy tận mắt công trình vỹ đại của người Trung hoa trước Tây lịch.
Đứa con út của chúng tôi, bác sĩ Kim Sơn, mới có lương thực thụ, nó muốn mời cha mẹ du lịch châu Á. Tôi thường nói với con tôi, tôi chỉ cần đến đặt chân lên Vạn lý trường thành để thấy một kỳ công của loài người mà thôi, còn xem thành phố thì không cần.

Với cái tuổi sém sém bát tuần, sinh nhật vừa rồi anh Võ Thạnh Văn, Nguyễn Quang, những người bạn trẻ tài hoa của tôi, đã gửi tặng tôi thiệp mừng đại khánh bát thập. Tới tuổi này mà đi du lịch thì gần như không giống ai. Mà thật vậy, cách đây vài năm cũng thằng con út tài hoa của tôi dẫn cha mẹ nó tức tôi và vợ tôi đi Tây, đi Anh, Pháp và Ý. Dịp ấy vào mùa Đông lạnh thấu xương, nhưng khách du lịch vẫn nườm nượp sắp hàng hàng vài tiếng đồng hồ để lên đỉnh Tour Eiffel. Mô Phật, tôi nhìn tứ phía, nhìn trên nhìn dưới nhìn chung quanh, không có người nào già như tôi. Hồi nhỏ đã già trước tuổi, năm mười sáu mười bảy dáng người như gần ba mươi, bây giờ gần 80, các bạn tính thử, như vậy tôi già hơn 90. Cũng được cái sướng là lên xe bus xe điện xe lửa, chỗ nào người ta cũng kính lão đắc thọ, nhất là ở Châu Âu và Nhật bản, ở quê ta, Việt Nam, thì họa hoằng. Tại sao tôi không tìm thấy người già trong đám nô nức du lịch, vì thứ nhất, mùa Đông người già thích mở heat, thích trùm chăn thích ngồi bên lò sưởi, nhưng thứ nhì mới là lý do chính, người già các nước họ đã đi hết chỗ đi rồi, có những chỗ họ đã đi vài ba lần rồi, còn đối với tôi và cũng đại đa số người Việt hoàng cảnh như tôi vì, vì đủ thứ vì , nên nay may ra con nó còn ngó nghĩ đến, nên vớt vát bằng một chuyến đi, nếu không thì cũng đành du lịch trên TV trên internet mà thôi.
Có người bảo nếu không đi với con thì “ đi tua”. Cũng được, vừa rẻ, vừa xem nhiều chỗ và đủ thứ lợi. Năm tôi đang xem thư viện lớn nhất của Mỹ thư viện của hạ viện, tôi thấy có những chiếc xe chở khách đi tua, khách đổ xuống ào ào như lính đổ bộ, người hướng dẫn la lớn quí khách nhanh lên nhanh lên còn đi nhiều chỗ. Tôi thấy khách du lịch vội vã chụp cho được tấm hình lấy cho được hết toà nhà rồi vội vã lên xe. Xem như thế người ta bảo là cữi ngựa xem hoa hoặc là đi phản lực cơ xem hoa.
Tôi đến Kyoto, thành phố cổ. Trong trận chiến thứ II nước nhật tan nát, chỉ có Tokyo ít bị bom đạn nên những đền đài còn nguyên. Kyoto cũng như Huế đối với Việt Nam.

Đặc biệt ở đây có cổ thành NiJo . Tướng quân Tokugama xây từ năm 1603 trong một khu đất khá rộng




Trong suốt trên 200 năm các lãnh chúa cai trị nước Nhật. Cố nhiên cai trị bằng thanh kiếm.

Mãi đến nửa thế kỷ 19, các nước Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ, thức tỉnh nước Nhật. Rồi một cuộc duy tân, đổi mới, của Minh Trị Thiên Hoàng cứu được nước Nhật và đưa nước Nhật lên một cường quốc. Thêm một lần nữa làm cho dân tộc Nhật tự hào hãnh diện.


Nếu có con mắt khoái cảnh “ non bộ” thì say mê khu vườn các lãnh chúa này. Đẹp thật nhưng tại hạ không khoái nghệ thuật tế nhị tỉ mỉ này nên chỉ xem phớt kiểu cởi ngựa xem hoa mà thôi. Nhưng cũng phải nên nhớ “ nghệ thuật bonsai” Nhật đứng nhất thế giới.


Thời xưa đó rào, thành làm bằng tre cột dây không dùng một cái đinh.
Nhớ ở nước mình người thượng chỉ một cái mác làm nên cái nhà, không cần cưa, không đục không đinh, một dụng cụ mà thôi. Một cái mác, cái dao mũi nhọn cán dài, bất ly thân, người thượng lúc nào cũng sẵn trong tay, nó là vũ khí phòng thân, chống với kẻ thù với thú dữ, dùng nó để phá rẫy để trồng tỉa, để làm nhà v…v….Tạ hạ rất phục người thượng điểm này.
Với nhà thơ nhà hoạ nhà văn nhà nghệ thuật, thì hình như chỉ nhìn các vị võ sĩ đạo các vị lãnh chúa có nhiều cái đẹp của tinh thần thượng võ, danh dự, xem cái chết nhẹ như lông hồng v…v….nhưng bề trái, cai trị với thanh kiếm “ chém đá như chém bùn”, luật pháp nằm trong mũi kiếm, trong nỗi vui nỗi buồn nỗi uất hận, thì người dân đen phải chịu trăm đắng ngàn cay.

Toà nhà vàng, bằng vàng thật, dưới đây, là nơi ăn chơi hưởng lạc của các vị đại lãnh chúa, đủ nói lên uy quyền tuyệt đối, và cũng nói lên cuộc sống tăm tối của đám thứ dân.

Toà nhà cực kỳ xa xí này đã bị cháy một lần và làm lại và lần này vàng tốt hơn dày hơn nghĩa là chi phí lớn hơn.


Ai đã một lần bước vào tòa thánh La Mã cũng phải ngợp về sự sơn son thép vàng trong đó, mới biết tòa thánh cực kỳ giàu có, cực kỳ phí phạm. Theo tại hạ, đó là những điều không cần thiết, và có khi nó hạ một phần cái cao đẹp của một tôn giáo, một lý tưởng.
Du khách nô nức đi xem “ Vườn Đá” thành lập từ những năm 1500 cuối thời Muromachi, do một nhà thiền học cao danh Tokuto Zenketsu. Vườn hình chữ nhật bề 25m bề 10m.

Vườn không có cây cối hoa lá chỉ có lớp sỏi trắng trãi rất đều, chung quanh thành bằng đất thấp. Trên mặt sỏi trắng đó sắp 15 hòn đá nhỏ.

Đặc biệt nếu du khách ngồi trên thềm dù ở hướng nào cũng chỉ thấy 14 hòn mà thôi.

Ngồi im lặng nghĩ đến những ý nghĩa của cảnh vật trước mặt trầm tư về ý nghĩa của vạn vật. !
Tại Nhật có rất nhiều đền chùa, nhiều tượng Phật. Số chùa lên tới 80 nghìn. Ngôi chùa cổ nhất làm bằng gỗ dài trên một trăm mét, nhà bằng gỗ dài nhất của Nhật ở Kyoto.

Bên trong có đúng 1000 tượng phật sắp ngay ngắn hàng 10. Nơi đây cấm chụp hình. Có lẽ trên thế giới không chùa nào nhiều tượng Phật bằng chùa gỗ dưới đây.


Trước khi đi Tokyo, chúng tôi đi xem thêm một đền thờ nữa. Đền này ở trên đỉnh núi cao có thể nhìn thấy hết Kyoto. Du khách có xen học sinh đi thăm khá đông ngôi đền này. Học sinh đồng phục màu đen. Nữ sinh đều mặc skirt ngắn, nam sinh mặc short.




Đền được dựng trên một trăm cây trụ gỗ cao.

Chúng tôi vào cái quán nhỏ bên đường. Xếp bằng ngồi kiểu người nhật làm tôi nhớ lại lúc còn nhỏ ở nhà quê trong bữa ăn chúng tôi cũng ngồi kiểu đó nhất là bữa ăn có người lớn ngồi ăn chung một mâm. Khi dùng bàn ăn thì không còn kiểu ngồi đó nữa, ngồi trên chiếc ghế.

Như trên tôi đã nói, đến Kyoto chỉ xem đền đài cổ, xem hình ảnh ngày xưa của Nhật dưới các thời lãnh chúa ( Sogun ) cai trị.
Từ Kyoto đến Tokyo chúng tôi đi tàu cao tốc.
Nhật là nước có tàu cao tốc từ 1964. Xây cất từ năm 1959 đến 1964 thì hoàn thành. Chừng 10 phút có một chuyến từ Tokyo đến Kyoto. Tàu chạy nhanh yên lặng và ít dừng. Từ Kyoto đến Kyoto chỉ dừng môt ga . Có lẽ chuyến khác dừng ga khác làm cho ga nào cũng có thể dùng tàu cao tốc.


Ngồi trên tàu cao tốc tôi cảm phục người Nhật, xứng đáng là một cường quốc về kinh tế. Tôi lại nhớ đến dự án tàu cao tốc của Việt nam ồn ào sôi nổi rồi im lặng, bởi vì ở Việt nam làm tàu cao tốc không vì mục đích phát triển kinh tế mà là mục đích làm giàu cho cán bộ lãnh đạo nên gặp phải sự chống đối của những phe cánh không dính dáng đến món béo bỡ này.
Đến Tokyo, thủ đô Nhật.
Cũng như Kyoto, Tokyo, thành phố rất sạch. Người ta bảo Singapore của thời Lý quang Diệu sạch nhất thế giới, nhưng bây giờ hết sạch cũng như thời Lý quang Diệu không có tham nhũng, bây giờ cũng tràn lan. Tokyo rất sạch ngay cả những đường hẽm cũng rất sạch. Nhìn các đường hẽm sạch sẽ tôi rất phục dân tộc Nhật, một nước có nền văn hóa cao. Tôi bắt gặp từ sáng sớm một ông già cầm cái chỗi bằng lá cây nhẹ nhàn quét lá rụng, không dùng máy thổi ồn ào như cắt cỏ ở Mỹ. So với Newyork, Tokyo sạch hơn nhiều, sạch hơn nhiều lắm. Lần đầu tiên tới Newyork trên lề đường rác rưới dơ dáy tôi xem thường ông thị trưởng tỷ phú này sao để thành phố dơ quá, chả lẽ ông không biết thế nào là dơ, tôi chắc ông ta cũng đến Nhật ít nhất một lần.
Tòa nhà thị trưởng Toyio tầng 45 cho người lên đó xem (free ) thành phố. Du khách lên xuống đông đúc để xem nhất là khỏi mua vé. Từ đó nhìn hết thành phố Đông kinh

Nhìn xuống thấy khu cây xanh đó là nơi chùa đền, nơi lưu giữ những kỷ niệm xưa.

Đông kinh trong sương mờ :

Trong một đền xưa, ba em bé nữ sinh ngồi trên chiếc xe kéo ngày xưa

Các em nữ sinh nhờ chụp hộ tấm hình :

Cũng nơi đây trưng bày bản văn đầu hàng năm 1945. Một đau buồn của người Nhật không bao giờ nguôi, nhưng biến đau thương thành động cơ tích cực xây dựng tổ quốc, hai chục năm sau Nhật thành một cường quốc thứ nhì về kinh tế. Bái phục ! Bái phục !


Một mô hình thành phố ngày xưa ngày chưa mở cửa cho người Tây phương vào buôn bán. Những võ sĩ đạo còn thịnh hành mang kiếm lang thang trong dân chúng. Tôi thấy được nỗi khổ nhục của người dân thường. Lúc ấy người nông dân Nhật nghèo đói thiếu thốn. Pháp luật, lẽ phải cả đạo đức đều nằm trong mũi kiếm của gia cấp võ sĩ đạo


Tượng của một gia đình thường dân Nhật lúc bấy giờ :

Những nhận xét của tôi về Nhật
– Rất lễ độ, nhất là khi chào hỏi
– Thành phố rất sạch sẽ, có lẽ nhất thế giới về điểm này
– Xe cộ chạy rất trật tự. Rất tôn trọng luật đi đường
– Hệ thống xe điện ngầm xe cao tốc,xe bus, taxi rất phong phú và rất văn minh, rất an toàn
– Người Nhật ít ồn ào. Đám đông chờ đợi rất im lặng, hầu hết đều ngó vào cell phone vào Ipod, Ipad hoặc đọc sách, không nói chuyện ồn ào. Lại một điểm chứng tỏ người Nhật có nền văn hóa cao, văn minh cao
– Hotel, quán ăn, không đắc đỏ như tôi đã nghe nhiều người nói
– Người Nhật mặc quần áo nghiêm trang, đàn ông hầu hết mặc vest đen cà vạt, nam sinh nữ sinh ăn mặc tề chỉnh không thấy punch
Tôi lại nghĩ đến các cụ ngày xưa, cụ Phan Bội Châu Đông Du sang Nhật, một quyết định rất sáng suốt, vì nước Nhật mãi mãi là bậc thầy của dân tộc Việt nam. Tôi lại nghĩ may mắn cho nước Nhật dân tộc Nhật khôn ngoan yêu nước sớm có tinh thần độc lập dân chủ nên biến nước Nhật thành một cường quốc. Nếu nước Nhật không may có một tay sai của đảng cộng sản lên nắm chánh quyền theo lệnh Nga cộng Tàu cộng, thì ngày nay dân Nhật có lẽ cũng ngang với dân Bắc hàn ngang với dân Việt Nam, Cuba. Thượng Đế đã ưu đãi dân tộc Nhật khá nhiều.
Đại khái như vậy, chúng tôi ở 5 ngày hai thành phố Kyoto và Tokyo. Chúng tôi rời nước Nhật đáng kính, để sang Vạn Lý Trường Thành của vua Tần Thủy Hoàng
.
Hôm nay tôi mới gặp Tần Thủy Hoàng
Bạo chúa như ông sướng hay khổ
.” ( thơ Hoàng Cầm)
Chúng tôi đi hàng không Đại Hàn

( tiếp theo phần hai về Trung hoa, Vạn lý trường thành )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét